Sự nghiệp A Tế Cách

Thời Nỗ Nhĩ Cáp Xích

A Tế Cách cũng như hai người em trai cùng mẹ của mình đều rất được Nỗ Nhĩ Cáp Xích yêu thương. Đại phúc tấn đầu tiên của Hoàng Thái Cực là Nữu Hỗ Lộc thị, bởi vì khi gặp A Tế Cách không chịu hạ kiệu mà bị cha chồng là Nỗ Nhĩ Cáp Xích hạ lệnh vứt bỏ. Trong sử sách của Triều Tiên đã miêu tả A Tế Cách là một thanh niên cao lớn lực lưỡng,[3] nhờ kiêu dũng thiện chiến mà rất sớm đã được phong là Thai cát (台吉).[4]

Năm Thiên Mệnh thứ 10 (1625), ông theo Bối lặc Mãng Cổ Nhĩ Thái chinh phạt Sát Cáp Nhĩ bộ, Lâm Đan hãn bỏ chạy. A Tế Cách truy đuổi đến Nông An Tháp.[5] Sang năm sau, ông tiếp tục cùng với người cháu trai là Thai cát Thạc Thác thảo phạt Ba Lâm bộ Khách Nhĩ Khách, lại theo Bối lặc Đại Thiện chinh phạt Trác Lỗ Đặc bộ. Cả hai trận chiến ông đều lập nhiều công lao, nhờ vậy mà được phong làm Bối lặc.[6][7]

Thời Hoàng Thái Cực

Những năm Thiên Thông

Năm Thiên Thông đầu tiên (1627), A Tế Cách cùng với Bối lặc A Mẫn tấn công Triều Tiên, liên tục đánh hạ 5 thành trì. Sau lại theo Hoàng Thái Cực thảo phạt quân Minh, cùng với Mãng Cổ Nhĩ Thái bảo vệ đường vận chuyển lương thảo tại Tháp Sơn. Sau khi hội quân ở Cẩm Châu và áp sát Ninh Viễn, quân Thanh phát hiện hơn ngàn quân Minh đang hạ trại, đào chiến hào, sắp xếp hỏa khí ở phía trước, nhưng A Tế Cách đã tiêu diệt toàn bộ.[8]

Tổng binh của nhà Minh là Mãn Quế xuất thành bày trận, Hoàng Thái Cực muốn tấn công ngay lập tức, nhưng bị các Bối lặc ngăn lại vì lý do khoảng cách với thành trì quá gần, chỉ duy nhất A Tế Cách xin theo. Hoàng Thái Cực liền đốc thúc A Tế Cách nhanh chóng đánh bại kỵ binh triều Minh, các Bối lặc đều lấy làm hổ thẹn, vì vậy chưa kịp mặc áo giáp đã tiến lên xung phong liều chết, quân Minh tử thương hơn một nửa.[8]

Năm thứ 2 (1628), vì tự ý chủ trì hôn lễ của Đa Đạc, ông đã bị tước đi tước vị, sau này lại được khôi phục.[9] Sang năm sau, ông cùng Tế Nhĩ Cáp Lãng tấn công Cẩm ChâuNinh Viễn, thiêu rụi toàn bộ lương thực tích trữ của quân Minh tại đây, lại bắt giữ được hơn 3.000 người. Sau đó, ông theo Hoàng Thái Cực phạt Minh, tham gia Trận Kỷ Tị, kiềm chế Long Tỉnh quan, hạ thành Hán Nhi Trang, tấn công Hồng Sơn khẩu. Sau khi tiến quân đến Tuân Hóa, ông tham gia tấn công và tiêu diệt Tổng binh nhà Minh Triệu Suất Giáo. Sau khi bị áp sát kinh đô, hai viên tướng nhà Minh là Viên Sùng HoánTổ Đại Thọ đã đem 2 vạn quân tới cứu viện, đóng quân bên ngoài Quảng Cừ môn. Quân Hậu Kim truy trục quân Minh, tiếp cận chiến hào, chiến mã của A Tế Cách bị thương nên mới lui binh. Về sau, A Tế Cách cùng A Ba Thái tấn công Thông Châu, đến Trương Gia loan. Lại theo Hoàng Thái Cực tuần Kế Châu, gặp được viện binh Sơn Hải quan 5 ngàn người. A Tế Cách cùng Đại Thiện đột nhập trận địa của địch, đại phá quân Minh.[10]

Năm thứ 4 (1630), ông lại theo đại quân phạt Minh, đến Quảng Ninh, hội quân tại Đại Lăng Hà. Trong đêm vây Cẩm Châu, quân Minh đánh lén quân doanh của A Tế Cách lại gặp phải sương mù dày đặt cản tầm nhìn. A Tế Cách dàn trận địa sẵn sàng đón địch, đợi đến khi sương mù tản ra thì lập tức tập kích, bắt giữ được một Phó tướng của quân Minh, thu được giáp giới cùng ngựa hơn 200.[11]

Hoàng Thái Cực đích thân đến, bàn bạc kế hoạch vây công thành. Nghe được tin quân Minh tăng viện binh, Hoàng Thái Cực lệnh cho Dương Cổ Lợi thống lĩnh một nửa Bát kỳ quân Ba Nha Lạt đến tăng cường lực lượng. Em trai của Tổ Đại ThọTổ Đại Bật bởi đem kỵ binh tham dò tiến về phía trước, Hoàng Thái Cực đích thân mặc giáp chiến đấu, A Tế Cách chạy đến, phấn khích đánh lui quân Minh, chặt đầu một Phó tướng của quân Minh. Hoàng Thái Cực liền đem quân giao cho A Tế Cách, Giám Quân đạo Trương Xuân đem 4 vạn cứu binh đến, lại chiến đấu tại Đại Lăng Hà, chặn giết hơn một nửa quân Minh, truy đuổi quân Minh suốt 40 dặm về phía Bắc.[11]

Năm thứ 6 (1632), ông theo đại quân thảo phạt Sát Cáp Nhĩ, Lâm Đan Hãn bỏ trốn. Hoàng Thái Cực thay đổi hướng của đại quân, trước tiên tấn công Minh triều, lệnh cho A Tế Cách lãnh đạo cánh quân bên trái và binh lính Mông Cổ tấn công Đại Đồng và Tuyên Phủ, thu được toàn bộ tài vật được cất trữ lại Trương Gia Khẩu.[12] Tháng 3 năm sau, Hoàng Thái Cực lệnh cho xây dựng Thông Thiên bảo, ông đem quân đến đóng giữ. Tháng 5, ông cùng với Tế Nhĩ Cáp LãngĐỗ Độ nghênh đón hàng tướng Khổng Hữu Đức, chống cự quân Minh của Đông Giang Tổng binh Hoàng Long cùng quân đội Triều Tiên. Tháng 6, Hoàng Thái Cực trưng cầu ý kiến của các đại thần về việc đánh Minh triều, Triều Tiên, Sát Cáp Nhĩ, nên đánh địa phương nào trước, A Tế Cách cho rằng trước nên đánh quân Minh. Được như nguyện, A Tế Cách cùng A Ba Thái tiến đánh Sơn Hải Quan, Hoàng Thái Cực hạ chỉ chất vấn tại sao không chịu thâm nhập tiến quân, A Tế Cách trả lời "Ta muốn dừng lại ở chỗ này, tích góp lương thực, nhưng chư Bối lặc không chịu nghe". Hoàng Thái Cực liền trách: "Nếu ngươi kiên trì không đi, chư Bối lặc còn có thể vứt bỏ ngươi ở lại rồi đi hay sao?".[12]

Năm thứ 8 (1634), A Tế Cách cùng Đa Nhĩ Cổn, Đa Đạc theo đại quân thảo phạt quân Minh, 3 anh em cùng nhau nhập Long Môn khẩu, đánh hạ Bảo An Châu, Linh Khâu.[13]

Những năm Sùng Đức

Năm Sùng Đức đầu tiên (1636), A Tế Cách được phong Đa la Vũ Anh Quận vương (多罗武英郡王). Cùng Nhiêu Dư Bối lặc A Ba TháiDương Cổ Lợi phạt minh, từ Điêu Ngạc bảo nhập Trường An lĩnh, áp sát Duyên Khánh. Vượt qua Đảo Định đến An Châu, và đánh hạ các huyện Xương Bình, Định Hưng, An Túc, Bảo Trì, Đông An, Hùng, Thuận Nghĩa, Dung ThànhVăn An, lớn nhỏ hơn 56 trận đánh, bắt sống cả người và súc vật hơn 10 vạn. Ông phái nhóm người Cố Sơn Ngạch Chân Đàm Thái bố trí mai phục, chém được tướng thủ thành của 3 quân doanh Tuân Hoá, giành được hơn một trăm bốn mươi con ngựa. Khi trở về, Hoàng Thái Cực đích thân ra ngoài 10 dặm nghênh đón, thấy A Tế Cách vì vất vả mà thân thể gấy yếu, đã vì ông mà rơi lệ, đích thân rót rượu hỏi thăm. Tháng 12, Khi Hoàng Thái Cực tấn công Triều Tiên, ông đã ra lệnh cho A Tế Cách thủ vệ Ngưu Trang.[14]

Năm thứ 2 (1637), Thạc Thác nhiều lần tấn công không hạ được đảo Ka (가도). A Tế Cách nhanh chóng đem quân đến, 2 đường thuỷ bộ nhanh chóng đánh hạ. Hoàng Thái Cực phái người đến khen ngợi và ban thưởng.[15]

Năm thứ 4 (1639), ông lại theo đại quân phạt Minh. A Tế Cách tuyên bố muốn sử dụng Hồng y đại pháo để tấn công, lính thủ thành cực kỳ sợ hãi, 4 dặm đồn trú, đồn Trương Cương, Bảo Lâm tự, đồn Vượng Dân, đồn Vu Gia, Thành Hoá dụ, Đạo Nhĩ Chương đều bị đánh hạ. Lại hồi quân thủ hộ Tháp Sơn, Liên Sơn và bắt hơn ngàn người. Một lần nữa cùng A Ba Thái tấn công Cẩm Châu và Ninh Viễn.[16]

Năm thứ 6 (1641), diễn ra Đại chiến Tùng Cẩm. Ông cùng Tế Nhĩ Cáp Lãng, Đa Đạc vây công Cẩm Châu. Bọn người giữ thành Thai cát Mông Cổ Ngô Ba Thập thương nghị với nhau dâng thành đầu hàng. Sau khi Tổ Đại Thọ biết được sự việc liền tấn công binh lính Mông Cổ, A Tế Cách trong đêm đem quân viện trợ, quân Minh đại bại và hàng quân Mông Cổ được đưa đến nghĩa châu. Ông liên tục đánh bại quân Minh, được thưởng bạc bốn ngàn.[17]

Cùng năm tháng 3, Hồng Thừa Trù suất chư tướng Vương Phát, Ngô Tam Quế viện trợ Cẩm Châu, tổng quân 13 vạn. Hoàng Thái Cực đích thân đến giám quân, hạ trại ở Tùng Sơn. Quân Minh chạy đến Tháp Sơn, A Tế Cách liền đem quân truy kích, thu được toàn bộ lương thảo tại Bút Giá Sơn, lại cùng Đa Nhĩ Cổn tấn công bốn thành trì của địch, bắt được bọn tướng quân Minh là Vương Hi Hiền. Quân Minh vẫn ở Cẩm Châu, Tùng Sơn, Hạnh Sơn và Cao Kiều, Hoàng Thái Cực hồi Thịnh Kinh, ra lệnh cho A Tế Cách Đỗ Độ và Đa Đạc tiến hành vây công. Hồng Thừa Trù thừa dịp ban đêm, đem quân ra khỏi Tùng Sơn, tập kích quân Thanh, A Tế Cách đốc quân hoàn xạ quân Minh. Quân Minh đại bại muốn rút lui nhưng cửa thành đóng chặt không ra được, hơn 2 ngàn quân liền xin hàng.[18]

Năm thứ 7 (1642), ông mang quân vây công Hạnh Sơn, lại phái quân đội tấn công Ninh Viễn. Ngô Tam Quế dùng 4 trăm người đóng giữ ở Tháp Sơn, Cao Kiều, không đánh đã lui, quân Minh tan tác tứ phía, A Tế Cách đại bại quân Minh.[19]

Năm thứ 8 (1643), A Tế Cách lại cùng Tế Nhĩ Cáp Lãng tấn công Ninh Viễn, quân Thanh bắn pháo vào thành Bắc, tường thành sụp đổ mà phá được; lại tấn công vào thành Tây, trảm Minh Tổng binh Lý Phụ Minh, Viên Thượng Nhân cùng hơn 30 tướng lĩnh, giết hơn 4 ngàn quân Minh, Tổng binh Hoàng Sắc bỏ thành chạy trốn.[20]

Những năm Thuận Trị

Năm Thuận Trị nguyên niên (1644), A Tế Cách suất đại quân nhập quan, đại bại quân Đại Thuận của Lý Tự Thành trong Đại chiến Sơn Hải Quan. A Tế Cách được phong là Anh Thân vương, ban thưởng 2 bộ yên ngựa.[21][22]

Sau, ông được phong làm Tĩnh Viễn Đại tướng quân, từ biên ngoại vào Thiểm Tây, chặt đứt đường lui của Lý Tự Thành. 8 trận toàn thắng, đánh hạ 4 thành trì và hàng phục được 38, thế như chẻ tre. Cùng lúc đó, đạo quân của Đa Đạc đại thắng quân Đại Thuận ở Sơn Hải quan, Lý Tự Thành buông tha Tây An trốn đi Thương Châu. Đa Nhĩ Cổn lệnh cho A Tế Cách kết hợp với Đa Đạc tạo thành thế Nam-Bắc giáp công, thảo phạt Lý Tự Thành. Lý Tự Thành liền bỏ chạy về phía Nam, đem theo tàn binh chạy về Nam Kinh. A Tế Cách đem quân đuổi theo, đuổi đến Đặng Châu, lại đến Thừa Thiên, Đức An, Vũ Xương, Phú Trì Khẩu, Tang Gia Khẩu, Cửu Giang, liên tục phá địch. Lý Tự Thành bỏ trốn rồi bị giết chết, Kiêu tướng của quân Đại Thuận là Lưu Tông Mẫn bị chém, quân sư Tống Hiến Sách bị bắt. Chính quyền Đại Thuận đến đây diệt vong.[23]

Năm thứ 2 (1645), Tả Mộng Canh, con trai tướng quân nhà Minh Tả Lương Ngọc, đang đóng quân ở Cửu Giang, quân Thanh giết đến, liền suất lĩnh 10 vạn binh mã cùng nhiều chiến thuyền đến xin hàng. Quân Thanh lần lượt chiếm 12 thành Hà Nam, 39 thành Hồ Quảng, mỗi 6 thành ở Giang Tây và Giang Nam, tổng cộng 63 thành trì.[24] Tin chiến thắng được báo về triều, Thuận Trị đế cử người mang chiếu đến thăm hỏi và gọi đại quân A Tế Cách hồi kinh, chiếu viết:[25]

"王及行间将士驰驱跋涉, 悬崖峻岭, 深江大河, 万有余里, 劳苦功高. 寇氛既靖, 宜即班师. 其招抚余兵, 或留或散, 王与诸大臣商榷行之.

.

Vương cùng các tướng sĩ tận tâm bôn ba, vách núi trùng điệp, sông sâu nước lớn, vạn dặm có dư, lao khổ công cao. Nay tình hình giặc khấu đã yên, thích hợp lập tức trở về kinh sư. Còn các binh lính đã chiêu an, hoặc giữ lại hoặc tán ra, Vương cùng các đại thần thương lượng nhau mà làm."

Chiếu chỉ chưa kịp đến, A Tế Cách đã mang quân khải hoàn, ngày 4 tháng 8 thì về đến Kinh sư. Duệ Thân vương Đa Nhĩ Cổn bắt đầu tính toán toàn bộ tội lỗi của A Tế Cách, ngoại trừ việc không đợi chiếu đã thu quân, còn có báo láo về cái chết của Lý Tự Thành, uy hiếp quan viên địa phương, tự ý lấy ngựa của Ngạc Nhĩ Đa Tư và Thổ Mặc Đặc, lại thêm tội gọi Thuận Trị đế là "Nhụ tử". Gộp tất cả tội lỗi lại, A Tế Cách bị giáng xuống Anh Quận vương, nhưng không lâu sau lại được khôi phục tước vị Thân vương.[26][27]

Năm thứ 5 (1648), A Tế Cách đem quân đi đánh dẹp nạn thổ phỉ ở Thiên Tân. Mùa đông năm đó, Đại Đồng Tổng binh Khương Tương đào ngũ phản Thanh, A Tế Cách được phong Bình Tây Tướng quân,[28] suất lĩnh nhóm người Cố Sơn Ngạch Chân Ba Nhan đem quân đi thảo phạt.[29] Sang năm sau, Khương Tương cùng tướng dưới quyền là Lưu Thiên đã đem quân xâm phạm Đại Châu, A Tế Cách liền phái Bác Lạc đi trước cứu viện, vây khốn Lưu Thiên rồi mới giải vây.[30]

Đa Nhĩ Cổn đích thân đến Đại Đồng tham thị đại quân. Thời điểm đó, hai vị Phúc tấn của A Tế Cách bệnh mất, Đa Nhĩ Cổn lệnh ông trở về chủ trì gia sự. A Tế Cách nói:

摄政王躬摄大政, 为国不遑, 吾敢以妻死废国事?

.

Nhiếp Chính vương thay quyền quản lý quốc sự, vì nước mà bận rộn không có thời gian, ta nào dám vì chuyện vợ chết mà bỏ phế quốc sự?

A Tế Cách ỷ mình lập nhiều quân công, nói với Đa Nhĩ Cổn rằng:

辅政德豫亲王徵流寇至庆都, 潜身僻地, 破潼关, 西安不歼其众, 追腾机思不取, 功绩未着, 不当优异其子. 郑亲王乃叔父之子, 不当称'叔王'. 予乃太祖之子, 皇帝之叔, 宜称'叔王'.

Phụ chính Đức Dự Thân vương đuổi giặc cỏ đến Khánh Đô, lại ẩn thân nơi hoang vắng, liên tục phá Đồng Quan, Tây An, tiêu diệt giặc, truy bắt Đằng Cơ Tư cùng đám con trai, công tích đặt ở đó. Trịnh Thân vương là con trai của chú ngươi, không hợp được xưng "Thúc vương". Ta là con trai của Thái Tổ, là chú của Hoàng đế, nên được xưng "Thúc vương"

Đa Nhĩ Cổn trách A Tế Cách quá cuồng vọng, liền lệnh không để ông tham dự vào sự vụ lục bộ và giao tiếp với Hán quan.[31] Ngày 28 tháng 8, Khương Tương bị thuộc cấp là Dương Chấn giết chết. Dương Chấn đem quân quy thuận quân Thanh. Ngày kế, A Tế Cách đem quân vào thành, phá huỷ tường thành của Đại Đồng rồi mới lui binh.[32]

Năm thứ 7 (1650), Đa Nhĩ Cổn cùng nhóm người A Tế Cách xuất cung đi săn. Đến cuối năm, Đa Nhĩ Cổn bệnh tình nguy kịch, bí mật triệu A Tế Cách đến bàn việc hậu sự. Sau khi Đa Nhĩ Cổn hoăng, A Tế Cách muốn kế thừa làm Nhiếp Chính vương, âm thầm gọi con trai là Lâu Thân đến, lệnh hắn suất binh, đồng thời không muốn đem tin tức Đa Nhĩ Cổn đã mất báo cho chưa vương.

Cùng lúc đó, A Tế Cách uy hiếp đại thần thuộc Lưỡng Bạch Kỳ dưới quyền của Đa Nhĩ Cổn phải nghe theo mình, bị từ chối lại lấy quân đội ra uy hiếp. Vì vậy, đại thần của Lưỡng Bạch Kỳ quyết định "Y Hoàng thượng vi sinh", lại hướng Trịnh Thân vương Tế Nhĩ Cáp Lãng tố cáo A Tế Cách thừa lúc đám tang Đa Nhĩ Cổn mưu loạn đoạt chính. Đi theo Đa Nhĩ Cổn vây săn, Đại học sĩ Cương Lâm đã sớm phát hiện ý đồ của A Tế Cách, liền một mình ngày đêm giục ngựa về kinh, tố giác sự việc. Triều đình lập tức quan bế cửu môn, ở bên ngoài Đức Thắng môn, con đường A Tế Cách bắt buộc phải đi qua, bố trí trọng binh canh gác, đề phòng bất trắc.

Không lâu sau, A Tế Cách hộ tống linh cữu Đa Nhĩ Cổn hồi kinh. Lúc đến Thạch môn, A Tế Cách hội quân cùng con trai là Lâu Thân, lệnh bộ hạ mở lớn cờ xí, vòng quanh xe tang mà đi. Thuận Trị đế đích thân suất chư vương, đại thần nghênh đón cữu xa tại bên ngoài Đức Thắng môn, cha con A Tế Cách cầm đầu ngồi xuống. Bọn Tế Nhĩ Cáp Lãng thấy A Tế Cách thân mang bội đao, cử động phản trắc, phái binh giám thị chặt chẽ, lại đem tuỳ tùng 300 kỵ binh toàn bộ bắt giữ, đánh vỡ toàn bộ kế hoạch của A Tế Cách, tránh được một trận có thể gây náo loạn.

Ngày 26 tháng 12, Nghị chính Vương Đại thần hội nghị luận tội A Tế Cách. A Tế Cách bị u cấm, con ông là Lâu Thân bị cách đi tước Thân vương. Sau khi bị giam, A Tế Cách không những không thu liễm tính tình mà còn càng ngày càng cuồng bạo, trong phòng giam tư tàng đại đao, bí mật đào địa đạo, tuyên bố muốn hoả thiêu phòng giam[33].

Năm thứ 8 (1651), ngày 16 tháng 10 cùng năm, A Tế Cách bị ban cho tự tử trong ngục giam, bị trừ đi tông tịch[34]. Xét thấy con trai thứ hai của A Tế Cách là Phó Lặc Hách vô tội, lại có công, được phép nhập lại tông thất[35].

Năm Càn Long thứ 43 (1778), con cháu của ông, bao gồm cả Bá Nhĩ Tốn và những nhánh khác lại được đưa vào tông phổ.

Tướng mạo

Liên quan đến tướng mạo của A Tế Cách, người Nhật có một bản ghi chi tiết hơn trong "Thát Đát phiêu lưu ký":

八王子是一个性格粗暴的人, 遇事不加考虑, 所以不管政务. 他年约五十几岁, 脸上有麻子, 身材魁梧, 眼神令人望而生畏. 为人勇猛, 攻城陷阵, 无往不胜. 与明朝交战, 屡建军功.

.

Bát vương là một người tính cách thô bạo, khi gặp chuyện thì không cân nhắc, vì vậy mà bất chấp chính vụ. Năm nay đã xấp xỉ 50 tuổi, mặt nhiều rỗ, ánh mắt làm người ta khiếp sợ. Nhưng lại là người dũng mảnh, công thành, xông vào trận địa, không nơi nào đi qua mà không thắng. Giao chiến với triều Minh, nhiều lần lập quân công.